Mâm cỗ cúng được đặt lên ban thờ, dâng lên ông bà tổ tiên được coi trọng vô cùng, nó thể hiện được tấm lòng thành kính của con cháu đời sau mong được tổ tiên phù hộ cho cuộc sống an yên, thuận hòa. Ở mỗi vùng miền, ở những dịp khác nhau thì gia chủ sẽ có cách chuẩn bị mâm cúng khác nhau, nhưng lại có một điểm chung đó là đều phải có một đĩa gà được tạo dáng đẹp mắt, bày lên mâm cỗ.
Gà cúng vô cũng quan trọng nên không thể làm một cách sơ sài, qua loa được. Mọi thứ đều phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Trong đó việc tạo dáng gà đẹp cũng là một yếu tố quan trọng. Và dưới dây là một số cách tạo dáng gà cúng để mọi người có thể tham khảo thêm.
– Tạo dáng gà cánh tiên: Là hình ảnh chú gà có chiếc đầu ngẩng cao với cánh ở 2 bên chìa ra như cánh tiên. Để có thể tạo được dáng gà này, trước hết dựng đứng cổ gà lên rồi ép cổ về phía mình gà, rồi đan chéo 2 cánh gà về phía trước, cho 2 phần khớp chạm lại với nhau rồi dùng dây cố định lại. Dùng dao cứa nhẹ ở khuỷu chân gà không để đứt rời ra rồi bẻ quặt vào phía bụng tạo dáng gà ngồi tự nhiên.
– Tạo dáng gà bay: Ở cách buộc này, chỉ cần nhẹ nhàng bẻ 2 cánh gà vắt lên lưng, dùng dây lại buộc cố định ở phần khớp xương cánh gà, nhưng cũng lưu ý là không nên buộc quá chặt tránh làm rách da gà. Phần đầu gà cũng được dựng thẳng lên đẹp mắt.
– Tạo dáng gà quỳ: Ở đây chân gà được bẻ quặt về phía sau rồi dùng lạt buộc cố định lại cho khi đặt xuống mặt phẳng cho dáng gà tự như đang quỳ xuống vô cùng vững chắc như phần cổ và đầu gà vẫn phải thẳng.
– Tạo dáng gà chầu: Cách làm này hơi phức tạp hơn một chút nhưng lại tạo ra dáng gà rất đẹp và đây cũng là cách làm được nhiều người áp dụng trong việc cúng bái. Theo đó, dùng dao rạch ở 2 bên cổ gà 2 đường, sau đó nhét 2 cánh gà qua 2 đường này về phía miệng và nhét làm sao cho phần đầu cánh thò ra bên ngoài miệng. Để cả 2 phần cánh thò ra được đều và đẹp hơn thì tốt nhất là nên nhét cùng lúc. Khi nhét cần nhẹ tay để không làm gãy cánh gà.