Theo phong tục của dân tộc ta từ xa xưa thì trong mâm cỗ cúng lễ hay cúng giao thừa của người Việt ta thường có một đĩa xôi gấc đỏ tươi mang ý nghĩa may mắn, mong ước cho một năm tươi đỏ và một con gà trống hoa miệng ngâm bông hồng tượng trưng cho sự khỏe mạnh và tinh khiết.
Sở dĩ gà trống được chọn làm vật cúng tế trong đêm giao thừa cũng là có nguyên do của nó. Theo thần thoại xưa, khi Ngọc Hoàng mới sáng tạo ra mặt đất còn lạnh lẽo và ẩm thấp thì ngài đã sai 10 mắt trời xuống ngày đêm sấy khô mặt đất, nhưng sau khi đất đã khô trắng, nứt nẻ rồi mà Ngọc Hoàng lại quên thu các mặt trời về khiến con người và vạn vật khốn đốn.
Sau đó đã có một chàng dũng sĩ giương cung bắn rụng hết 9 mặt trời, còn 1 mặt trời vì quá sợ hãi mà bay tít lên cao trốn biệt. Mặt đất lại trở nên lạnh lẽo tối tăm như xưa. Con người và các loài vật rủ nhau đi gọi mặt trời nhưng không có hiệu quả, cuối cùng khi con gà trống cất tiếng gáy đã khiến mặt trời tò mò ngó xuống, hạ thấp dần độ cao, mang lại ánh sáng chan hòa cho muôn nơi.
Để bày tỏ hết tấm lòng đối với tổ tiên thì người ta sẽ chọn gà trống hoa, trống mới gáy le te để đúng như ý nghĩa tinh khiết, mạnh khỏe của nó. Hơn nữa, trong đêm giao thừa là đêm đất trời tối tăm nhất, lúc đó mặt trời ẩn mình sâu nhất nên người Việt ta quan niệm cúng một con gà trống khỏe mạnh để nó có thể cất tiếng gáy đánh thức mặt trời dậy cho một năm rạng rỡ, sáng ngời, mưa thuận gió hòa, con đường tiền tài, học vấn,… cũng vì thế mà suôn sẻ, mở rộng hơn.
Đối với phong tục Việt Nam thì gà trống có đủ 5 đứa tính mẫu mực mà một người đàn ông cần có đó là Văn, Võ, Dũng, Nhân và Tín. Nên khi chọn gà trống để cúng gia chủ cũng có mong muốn con cháu mình sau này cũng được hưởng những đức tính đó. Chọn gà phải là loại gà trống hoa mới gáy, không khuyết tật, màu lông đỏ mượt, mào đơn thẳng đứng, chân và mỏ vàng,… nhất là phải chưa đạp mái thì mới linh thiêng. Dù trên mẫm cỗ dâng lên ban thờ gia tiên có những sản vật lạ, thức quả ngon nào thì nhất định phải có một đĩa gà trống luộc khéo léo.